Khi AI (trí tuệ nhân tạo) đã và và đang phát triển từng ngày, con người dần giao nhiều hơn việc quản lý cuộc sống cho các thuật toán, liệu chúng ta có còn phải chịu trách nhiệm cá nhân?

Theo cây viết Nicholas Montegriffo trên trang AndroidPIT, công nghệ đang gây ra những tác động nhất định với văn hóa và xã hội. Khi một chú robot làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, chúng ta nắm lấy và sử dụng nó một cách bình thường mà bỏ qua những hậu quả tiềm tàng có thể xảy ra.

Từ vấn đề bảo mật bị cho qua

Thời gian vừa qua, rất nhiều vụ bê bối liên quan đến dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân đã xảy ra, tiêu biểu là Facebook. Không ít người phẫn nộ về điều đó, nhưng cũng có nhiều người thờ ơ.

Họ dễ dàng thỏa hiệp, một phần vì những điều khoản sử dụng dịch vụ quá phức tạp để có thể đọc, một phần vì những công cụ như Facebook đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh hoạt, làm việc và giải trí hàng ngày. Khi từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đến cả đối thủ đều dùng Facebook, thật khó để bạn trở thành “người khác biệt”.

Nghĩa là, bạn “buộc” phải chấp nhận rủi ro về quyền riêng tư cá nhân để đổi lấy những tiện ích.

Zuckerberg-Facebook
Facebook để xảy ra scandal, CEO Mark Zuckerberg phải điều trần, nhưng vị thế của mạng xã hội này vẫn rất vững chắc nhờ những lợi ích mà nó mang lại

Đến trách nhiệm cá nhân “biến mất” vì máy học

Giống như nhiều công cụ khác, máy tính hỗ trợ con người thực hiện một tác vụ nào đó dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Nhưng khi công cụ ấy rời xa bàn tay con người, trách nhiệm cá nhân sẽ ngày càng mờ nhạt, và đây chính là lúc những vấn đề xuất hiện.

Khi AI làm sai và gây ra hậu quả nghiêm trọng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các kỹ sư thiết lập phần mềm cho máy “học”, người nhấn nút bật công tắc, hay người dùng đã chọn chấp nhận các vấn đề pháp lý dài dằng dặc (mà không đọc chúng) để truy cập nhanh vào dịch vụ (như cách chúng ta dùng Facebook)?

Xe tự lái chính là một ví dụ tiêu biểu. Sản phẩm đang rất “hot” ở thời điểm hiện tại được “dạy” điều khiển cách điều khiển thông bằng một hệ thống học sâu với dữ liệu đào tạo thu thập từ một người lái xe đích thực. Sẽ rất tuyệt nếu nó luôn đi đúng làn, quẹo đúng lúc, đúng chỗ, nhận biết cảnh báo… nhưng sẽ như thế nào nếu nó leo lên lề hoặc lao xuống hồ? Nếu đụng chết ai đó, liệu xe có phải ra hầu tòa?

Xe tự lái

Hiện tại, nếu tai nạn xảy ra, chúng ta không thể biết được lý do tại sao. AI không thể giải thích sự lựa chọn và các kỹ sư thiết lập phần mềm cũng không thể theo dõi quyết định của nó trong từng trường hợp cụ thể.

Không chỉ xe tự lái, có nhiều lĩnh vực khác mà con người bị cám dỗ để giao trách nhiệm cho máy móc. Chẳng hạn, AI sẽ chẩn đoán bệnh (tức có thể quyết định mạng sống), thực hiện các giao dịch thương mại trị giá hàng triệu đô la hay đưa ra chiến thuật quân sự. Đã từng có trường hợp người bệnh chỉ bị hen suyễn nhưng AI chẩn đoán là viêm phổi.

ai-chan-doan-y-te

Khi AI tiến bộ hơn, nó sẽ đưa ra quyết định tốt hơn, và có thể là tốt nhất (99.9% trong hầu hết thời gian). Với 1% còn lại, liệu chúng ta có “tặc lưỡi” cho qua như những gì đã thực hiện với Facebook?

Trợ lý và ứng dụng thông minh sẽ lên ngôi?

Tại sự kiện Google I/O 2018, Google đã giới thiệu những cách để AI giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Bạn có thể đặt cuộc hẹn cho trợ lý ảo Assistant, nhờ máy thực hiện cuộc gọi hay đặt lịch cắt tóc / đặt bàn nhà hàng. Thậm chí, hãng còn gợi lên một kịch bản thú vị về cách 2 robot trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của con người.

Nghe thật tuyệt phải không? Thực tế lại không lung linh như vậy. Việc giao tiếp thông qua các công cụ trợ lý điều khiển bằng giọng nói tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề tiềm ẩn.

Cụ thể, khi nói chuyện với nhau, chúng ta nhận ra những dấu hiệu trong giọng nói và thái độ để hành động thích hợp. Bạn dễ dàng biết được mình có vô tình làm người khác khó chịu và gây ra một cuộc tranh cãi.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một trợ lý ảo nói điều gì đó xúc phạm? Còn nếu trợ lý ảo bị ngăn cản ngay cả khi chỉ thốt ra một câu nói đùa thì chẳng khác nào giọng nói của chính bạn bị kiểm duyệt, còn bản thân trợ lý ảo sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể thực sự trò chuyện với con người.

ung-dung-ai-vao-cuoc-song

Theo Nicholas, anh cảm thấy việc AI quản lý thời gian và chăm sóc sức khỏe cho con người là chuyện không xa. Các công cụ trợ lý có thể học thói quen, việc luyện tập, môi trường và nhiều yếu tố khác để tham gia vào việc giữ gìn sức khỏe, công việc lẫn giải trí. Cá nhân anh cho rằng, mức độ quản lý như vậy là một cơn ác mộng.

Dù thích hay không, xã hội cần thích nghi với AI

AI vẫn có những mặt trái, như vừa nêu trên, nhưng lợi ích mà nó mang lại là quá lớn. Vì vậy, việc AI đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là điều không thể tránh khỏi.

Vấn đề là, khi áp dụng AI, chúng ta cần cân bằng giữa sự tiện lợi và trách nhiệm. Chúng ta tận dụng những ưu điểm của AI, điều chỉnh nó phù hợp với thực tế và khai thác trong sự kiểm soát thay vì bị phụ thuộc.

con-nguoi-va-ai

Bạn nghĩ gì về vai trò của AI? Liệu chúng ta có nên giao quá nhiều trách nhiệm cho những thuật toán hay không? Cùng chia sẻ quan điểm thông qua phần bình luận phía dưới nhé.

 

Phạm Hoài Thanh – thegioididong.com

No Comment

Comments are closed.